Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Tiền là mục đích cuối cùng? (Nhịp Sống Trẻ - tuoitre.vn)

TTO - Hàng trăm ý kiến của bạn đọc gửi về TTO mấy ngày qua chia sẻ với bài văn của HS lớp 11 lý Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam Nguyễn Trung Hiếu và nêu ý kiến của riêng mình về vai trò của đồng tiền trong đời sống.  
Trong số đó có ý kiến khẳng định tiền chính là mục đích cuối cùng.
Bạn nghĩ như thế nào về ý kiến này? Có khi nào trong cuộc đời tiền đã trở thành mục đích cuối cùng của bạn chưa? Vì sao như thế? Bạn có từng là nạn nhân của những khinh khi, miệt thị vì "viêm màng túi"? Chỉ có người không bình thường mới chê tiền? Bạn chọn thái độ nào khi đối diện với bài toán tiền bạc?
Tuổi Trẻ Online mời bạn theo dõi những ý kiến sau và chia sẻ quan điểm.
Làm sao làm chủ đồng tiền là câu hỏi có lẽ không hề đơn giản - Ảnh minh họa: từ Internet
Tiền là động lực sống!
Tiền là mục đích cuối cùng
Tiền là mục đích cuối cùng mà mỗi người phấn đấu để đạt được. Nhưng bạn sẽ làm gì để nó không thể chi phối tất cả hoạt động con người. Làm gì để cân bằng mọi thứ để nó chỉ là gia vị cuộc sống.
hoanang7585
Tiền là động lực để em vươn lên trong cuộc sống! Tuổi thơ em lớn lên theo từng tiếng chửi mắng và thái độ khinh khi, hắt hủi của gia đình. Các cô cứ chửi cha mẹ em, đơn giản vì cha em không có tiền phụng dưỡng ông nội.
Vì thiếu tiền nên cha em - người anh cả - không có tiếng nói trong gia đình. Vì thiếu tiền nên đứa cháu nội duy nhất của dòng tộc cũng bị hắt hủi! Một cái bánh duy nhất trong mùa Tung thu mà ông nội cho, em đã không được ăn vì bị sỉ nhục!
Tiền, tiền và tiền... Thiếu tiền đã làm tuổi thơ em không trọn vẹn! Em luôn mơ thấy niềm hạnh phúc và tự hào của ông nội, của cha, của mẹ trong ngày em đậu Đại học Kinh tế TP.HCM. Khi giây phút ấy thật sự đến thì em đang ngồi cạnh bàn thờ ông nội, sững sờ với vẻ mặt buồn buồn, lo lo của cả cha và mẹ! Và đó cũng là ngày đánh dấu sự thay đổi cuộc đời em!
Em cảm ơn tiền! Vì tiền luôn là động lực để thôi thúc em cố gắng, cố gắng học thật giỏi! Tiền luôn ám ảnh và thôi thúc để em bứt phá! Dù còn đi học và chưa kiếm được thật nhiều tiền, nhưng gia đình không còn ai có quyền khinh khi, chửi mắng cha mẹ em nữa!
Cha mẹ em không có nhiều tiền, nhưng họ là người giàu có nhất gia đình. Cha yêu, mẹ yêu... Con cảm ơn cha mẹ đã nhẫn nhịn và hi sinh để dành cho con những gì tốt đẹp nhất! Tất cả đều có thể mua được bằng rất nhiều tiền! Nhưng cái mà phải đánh đổi bằng biển mồ hôi, nước mắt và chuỗi ngày tủi nhục sẽ còn quý hơn tất cả!
Đồng tiền không xấu, quan trọng là nhận thức của con người về đồng tiền! Đừng để đồng tiền đẩy bạn vào địa ngục, hãy lấy đồng tiền làm đòn bẩy giúp bạn thay đổi cuộc đời!
ĐỖ HOÀNG OANH
Không tiền sẽ mất tất cả
Tiền không là gì hết, nhưng không có tiền người ta sẽ chết, chết trong ô nhục, chết trong tù tội, trong cô đơn đói lạnh, trong lạnh lùng của người đời. Tiền không là tất cả nhưng không tiền sẽ mất tất cả, kể cả hạnh phúc. Hạnh phúc là thứ phi vật chất, rất gần cũng rất xa. Ngày nay xã hội càng phát triển hạnh phúc lại càng dễ nhìn thấy với những kẻ ngông cuồng nghĩ rằng tiền có thể mua tất cả.
Hạnh phúc ngày càng mờ nhạt cho những kẻ ngây thơ ôm giấc mơ hạnh phúc không cần bảo quản bằng tiền. Vậy tiền không có tội, tiền không tốt cũng không xấu, tiền không đúng cũng không sai, chỉ có người sử dụng tiền sai hay đúng.
Việc sử dụng tiền đúng hay sai luôn lệ thuộc vào nguồn tiền có được từ đâu. Một kẻ ngụy biện cố dìu dắt đồng tiền đầu ra theo hướng đúng rồi cũng sẽ sớm phơi bày bởi đầu vào tội lỗi, phi đạo đức. Tiền vào ra một cách trân trọng, nhẹ nhàng, thoải mái khi người ta hiểu nó chỉ là phương tiện chứ không phải là mục tiêu.
NGUYỄN THUẬT
Đau khổ trên một đống tiền còn hơn cười hớn hở mà túi rỗng
Từ khi tôi còn là một đứa trẻ lớp 5, tôi đã thấy tiền rất quan trọng. Năm đó bà ngoại tôi chết vì bệnh lao vì gia đình tôi không có tiền để chữa trị cho bà. Cũng vì không có tiền mà nhà tôi quanh năm không ngóc đầu lên được, bị chòm xóm khinh thường. Gia đình tôi lui tới nhà ai cũng bị coi là xin tiền.
Suốt 4 năm ròng học đại học, tôi đã phải còng lưng đi làm thêm cũng chỉ để kiếm tiền. Nhiều đêm trở về phòng trọ lạnh ngắt, thấy mà tủi thân. Đến tháng mà không có tiền, chủ nhà trọ đuổi đi không kịp! Ba mẹ mà không có tiền thử hỏi con cái có viếng thăm hay không?
Đối với tôi, đồng tiền đi liền khúc ruột, chỉ có người không bình thường mới chê tiền. Thà tôi đau khổ trên một đống tiền còn hơn cười hớn hở mà không có tiền!
PHAM THI NGOC HANH
Không có tiền, hạnh phúc nổi không?
Đối với tôi, những đồng tiền chân chính là vô cùng quan trọng, có nhiều tiền càng tốt. Nhiều người cho rằng tiền không mua được hạnh phúc. Quá đúng! Nhưng với xã hội ngày nay khi mà bạn không có tiền thì bạn có hạnh phúc nổi không? Có một sự thật là bạn làm bất cứ việc gì cũng phải cần có tiền, từ học hành, cho đến giải trí hay chăm sóc sức khỏe. Có tiền chẳng có gì xấu, nó chỉ xấu khi người ta chà đạp lên lương tâm, đạo đức để có tiền.
Chẳng phải người nghèo đang làm việc vì tiền đó sao? Họ căm ghét công việc họ đang làm nhưng vẫn phải làm vì tiền, họ tiêu tốn sức khỏe, bỏ những đứa trẻ ở nhà không ai chăm sóc cũng vì phải đi kiếm tiền. Bao nhiêu người đã phải rời làng quê làm lụng vất vả cũng chỉ mong có tiền cho con họ bớt khổ cực. Tiền không phải là tất cả, nhưng nó quan trọng, vậy thôi!
NGUYỄN SƠN 



Tiền có phải là nỗi ám ảnh của bạn không? Bạn kiếm tiền để làm gì?
Nếu có nhiều tiền bạn sẽ làm gì, còn nếu không có nhiều tiền bạn nghĩ mình sẽ sống ra sao?
Tiền làm bạn đau khổ hay hạnh phúc? Khi nào thì bạn hạnh phúc với tiền?
Vai trò của tiền trong đời sống của bạn?...
Mong bạn đọc chia sẻ ý kiến để tranh luận vấn đề rất đáng quan tâm này theo công cụ dưới bài  (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt).

Nguần: http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/464091/Tien-la-muc-dich-cuoi-cung.html

Không có nhận xét nào: